Tình cờ tôi thấy bài viết - không có tên tác giả - này trên mạng. Đọc thấy một cảm nhận rất chân thành và ưu ái với "Cánh đồng Lưu Lạc" của tôi. Cũng không biết xuất phát từ website hay blog nào, chỉ biết không phải từ những blog hay website quen với mình. Dù thế nào cũng xin cám ơn tác giả bài viết này, xin đưa lên đây, coi như một "collection" về sự ưu ái chia sẻ của các bạn. Và tôi rất muốn biết tên tác giả.(Tôi xin đưa bài này bên cạnh bài viết của nhà thơ Lê Khánh Mai, để có thể, cùng so sánh)
Miệt mài trên…
“cánh đồng lưu lạc”
18-05-2011 06:00:00
Trên cái nền hiện thực khắc nghiệt và tàn nhẫn, những cảnh đời lẻ loi vẫn âm thầm cái mầm sống mong manh như muốn đương đầu với số phận…
Một vụ đậu đang trổ hoa. Một rặng tre mỗi mùa thay áo - mùa hạ xanh rì, mùa xuân vàng bủng, những bông hoa tre xấu xí khô cằn rụng lã chã. Đằng sau nó, cỏ mọc biếc xanh và những cây bưởi bung hoa trắng ngát. Một con đường đất đỏ bụi lầm. Một cánh đồng bát ngát hoa thơm, hoa vàng, hoa tím, hoa trắng… chập chờn trong gió như hàng tỉ con bướm đang run rẩy. Cánh đồng chôn vùi hơn 300 sinh mạng dân làng trong chiến tranh và lại tiếp tục vùi chôn những kiếp người phiêu bạt… Cánh đồng ấy - tên là Lưu Lạc.
Vùng đất thôn quê với những con người sống bơ vơ tàn lụi, hiện thực đói nghèo và u mê khuất lấp những hình hài. Cánh đồng lưu lạc hoài thai trên cái nền hiện thực bất ổn, xê dịch đầy khắc nghiệt. Ở nơi ấy, những cảnh đời lẻ loi vẫn âm thầm mầm sống mong manh như muốn đương đầu với số phận. Viết về nông thôn, Hoàng Đình Quang cũng miêu tả cái đói, cái khát, cái tăm tối u mê nhưng tác phẩm của ông vẫn nổi bật giữa hằng trăm cuốn tiểu thuyết đương thời. Bởi lẽ ông không nói đến cái gian khổ mà nói đến sự tù túng quẫn bách. Cái nguyên nhân chính dồn đẩy con người vào đường cùng, vào vô tận của sự bế tắc là nỗi đau tinh thần chứ không phải là nỗi khổ về vật chất. Nhà văn mở cho mình một lối đi riêng trên cái phông nền ảm đạm của hiện thực, để từ đó khơi gợi và ám ảnh trong lòng người những cảm xúc khôn nguôi.
Vùng đất thôn quê với những con người sống bơ vơ tàn lụi, hiện thực đói nghèo và u mê khuất lấp những hình hài. Cánh đồng lưu lạc hoài thai trên cái nền hiện thực bất ổn, xê dịch đầy khắc nghiệt. Ở nơi ấy, những cảnh đời lẻ loi vẫn âm thầm mầm sống mong manh như muốn đương đầu với số phận. Viết về nông thôn, Hoàng Đình Quang cũng miêu tả cái đói, cái khát, cái tăm tối u mê nhưng tác phẩm của ông vẫn nổi bật giữa hằng trăm cuốn tiểu thuyết đương thời. Bởi lẽ ông không nói đến cái gian khổ mà nói đến sự tù túng quẫn bách. Cái nguyên nhân chính dồn đẩy con người vào đường cùng, vào vô tận của sự bế tắc là nỗi đau tinh thần chứ không phải là nỗi khổ về vật chất. Nhà văn mở cho mình một lối đi riêng trên cái phông nền ảm đạm của hiện thực, để từ đó khơi gợi và ám ảnh trong lòng người những cảm xúc khôn nguôi.
Một người đàn bà không tuân theo sự ép duyên của gia đình mà đem lòng thương thầy giáo. Người đàn bà sinh ra cốt nhục của người yêu rồi phải chết đau đớn dưới tay cha ruột. Cô bé tên Nga theo cha lưu lạc đến một vùng đất khác để mong trốn chạy quá khứ đầy vết thương và nước mắt. Nhưng rồi, mảnh đất ấy lại một lần nữa chôn vùi cô như một định mệnh đã được an bài từ tiền kiếp… Chiến tranh loạn lạc, chồng hy sinh để lại Nga lẻ loi đơn chiếc. Tôi vẫn còn nhớ như hình ảnh ấy - cái hình ảnh lặng im và lơ đãng. Một giấc mơ không vẹn tròn giấu chôn trong chiếc bọc nhỏ kỉ niệm về chồng. Có lẽ vậy nên giấc ngủ người đàn bà lúc nào cũng mong manh khi thức giấc những nỗi niềm. Khi trăng già méo mó và treo lơ lửng trước cành xoan nơi cửa buồng trống trải, hình như chị cũng vắt kiệt cơ thể để thả trôi về những kí ức xa xăm…
Trống vắng và cô đơn không chỉ làm con người ta buồn khổ, mà nó còn mang đến một nỗi sợ hãi mơ hồ. Chị sợ hãi, và chính tôi cũng sợ hãi! Tim tôi như bóp nghẹt khi chính bố chồng quỳ sụp và van lạy, lạy xong thì hai tay quờ quạng và túm lấy ống quần Nga. Ông Tuân chồm tới, bằng một sức mạnh cuối cùng của lòng quyết tâm và của sự khát thèm thôi thúc. Phải, nỗi sợ ấy đã lớn lên và trở thành hiện thực khi chị bị chính bố chồng cưỡng bức. Tôi đã từng xót xa khi nghe tiếng thở dốc và những giọt nước mắt đắng cay ứa ra nơi khóe mắt chị. Nhưng tôi đã lặng đi khi chính chị - nắm lấy bàn tay ông Tuân, kéo sát, ghì chặt vào ngực, giọng lạnh băng: "Đây. Làm gì thì làm" - Tôi đã lặng đi, rất lâu, rất lâu...
Một ông bố chồng mê muội và quay cuồng trong nỗi đau tuyệt tự, một người đàn bà yếu đuối mong manh và thương hại. Dưới lớp sương mờ và ánh trăng già càng về khuya càng sáng, người đàn bà đầu tóc xổ tung rũ rượi, trong bộ quần áo trắng ướt đẫm mồ hôi và sương sa như lướt vào cõi hoang mang. Loạn luân. Chị hoài thai trong bụng mình dòng máu ấy - dòng máu của một đứa trẻ tên Hận và ra đi trong nỗi nhục nhã ê chề... Rồi cuộc đời chị sẽ trôi giạt về đâu? Cái sinh linh bé bỏng nửa điên nửa tỉnh, nửa dại nửa mê ấy là con trai chị và bố chồng. Nó đau khổ, chị đau khổ, cha chị đau khổ, bố chồng chị đau khổ - những người liên quan - chẳng một ai sung sướng...
Đi suốt thiên truyện là hình ảnh người những con người được nhà văn khắc họa một cách rõ nét. Ba nhân vật Tuân, Tĩnh và người kể chuyện xưng “tôi” đều mải miết trên hành trình đi tìm Nga. Nhân vật “tôi” là đứa em đi song song trong cuộc đời chị bởi một tình cảm thiêng liêng, sâu nặng và bền bỉ kéo dài. Anh bộ đội xuất ngũ Tĩnh - tuy xuất hiện gần cuối tác phẩm nhưng lại là điểm nhấn trong cuộc đời Nga. Tấm lòng vị tha, yêu thương chân thành và ước mơ về một hạnh phúc giản đơn liệu có thể làm đổi thay cuộc đời của người đàn bà vốn triền miên tăm tối ấy? Liệu có thể đổi thay được không?
Cái lối kể chuyện âm thầm mà ráo riết của nhà văn đưa ta đến với hiện thực khắc nghiệt với những dằn vặt nội tâm vẽ nên bi kịch của con người. Lẩn khuất đâu đây trong dòng đời bất trắc và biến động vẫn cứ tồn tại một niềm tin vô bờ bến. Khát vọng nhân sinh được đánh thức bởi sự hổ thẹn của lương tâm và của một tình yêu đúng nghĩa...
Tôi vẫn còn nhớ như in cuộc đối thoại nội tâm của cái bóng dáng lang thang như kẻ ăn mày - người bố loạn luân đi tìm mẹ con chị: "Bây giờ giữa thiên hạ này, ta là chồng, cô là vợ, thằng Hận là con trai ta, nó là kẻ chống gậy đưa ta xuống mồ... Về đi, Nga ơi!" Tiếng kêu nghẹn ngào tha thiết ấy là nỗi bất lực của nhân vật Tuân. Ông chính là minh chứng sâu xa cho cái bi kịch tinh thần truyền kiếp...
Rồi một hôm nào đó, khi nhớ về Cánh đồng lưu lạc, tôi sẽ lại lặng yên như đã từng yên lặng. Cũng sẽ giống như nhân vật xưng “tôi” - hình dung và nhớ lại sợi dây phất phới bay trên tà áo người thiếu nữ. Tấm áo ấy giờ chắc đã rách, và người thiếu nữ - chủ nhân của nó giờ đây đang mải miết lưu lạc phương nào? Để rồi vịn tay lên thân cây xoan đào, muốn khóc...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét