Kể chuyện đi chơi (Hồng Kông…)
Bỗng dưng có một trái sung đèo đẹt của Hội Nhà văn rụng trúng chân mình, vậy là quảy ba lô lên đường đi du lịch. Cái tour với những địa danh (Hồng Kông-Ma cao-Quảng Châu-Thẩm Quyến) làm mình không mấy hào hứng, nhưng sung đã lăn tới chân, thôi thì đi vậy.
Xứ Hồng Kông “hù” mình phát đầu tiên là cái sân bay hoành tráng được xếp vào loại một trong vài sân bay bự chảng nhất thế giới. Dù là một cái sân bay do lấn biển mà có, nhưng nó rộng lớn đến mức mình đi mỏi cả… mắt (vì cứ phải dõi dính theo cái lưng của em hướng dẫn viên cho khỏi lạc) Sau một hồi đảo qua lượn lại, thang cuốn thang kéo, chui lên mặt đất, tụt xuống tàu điện ngầm như giun như dế… thì mình cũng thoát ra khỏi mê cung của sân bay để hít thở và biết được cái không khí thật của trời đất Hồng Kông bên ngoài như thế nào. Mới hay, làm người thì đầu phải đội trời, chân đạp đất, chớ sống mà cứ chui rúc, đầu đội bê tông hay đội những thứ linh tinh khác hoài, thật là khổ sở, khó chịu vô phương! Mình mới ngồi trong máy bay vài giờ, loanh quanh trong mê cung sân bay vài chục phút mà đã thấy ngột ngạt; bước ra nhìn thấy bầu trời mừng như thấy má đi chợ về! Thế mới cảm thương những người nhốt 9/10 cuộc đời trong nhà hộp. Ờ mà biết đâu họ chẳng thấy như mình, mà ngược lại. Khéo lo khơi!
Phát thứ hai xứ Hồng Kông “hù” mình là mấy cây cầu và những cao ốc. Mình mang trong người cái máu tâm lý cục bộ, đi đến đâu cũng nhớ về xứ mình, nhìn cái gì cũng hay liên tưởng so sánh rất vô duyên. Biết là lãng xẹt nhưng không thoát được. Nhìn cảnh quang xứ người mà cứ thầm so sánh với xứ mình! Và đây là những liên tưởng so sánh rất… AQ của mình: Xứ Hồng Kông được hình thành từ mấy cái đảo, nên mấy cây cầu như là những sợi gân khổng lồ để nối liền cơ thể tổ quốc họ; còn đất nước mình ngon lành sẵn liền một dãi, ta chỉ cần bắc mấy cây cầu nho nhỏ qua sông qua suối cho vui, làm “chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta…” thôi, đâu cần đua đòi gì về cầu cống với ai. Tuy nhiên, nếu cần “khoe” thì mình cũng có mấy cây cầu như Mỹ Thuận, Cần Thơ, Bãi Cháy… dẫu không oách cỡ như bạn, nhưng “gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung” rồi! (ha..ha..) Còn nhà cửa ư? Đất Hồng Kông nhỏ hẹp, người ta phải lấn từng miếng biển để xây thành phố nên nhà cửa cứ như mấy cái ống tre lúc khúc chen chúc cắm trên mặt đất; đâu được như đất nước mình, biệt thự khuôn viên ngon lành rộng rãi thoải mái nuôi thú rừng hoang dã chơi cũng được. Tóm lại, phát “hù” thứ hai này dù có làm mình nể nhưng cũng hổng thấy tự ti, mà ngược lại còn thấy mình may mắn, có được một vùng đất tổ quốc ngon lành. Việc có một môi trường tự nhiên ưu đãi và giữ gìn, phát huy được điều ấy mới khó, chớ việc bê-tông hóa trái đất này thì dễ dàng thôi. Chớ có nôn nóng gì cái việc cắm thêm những tòa nhà đồ sộ trên mặt đất, rồi đâu đâu cũng có hết, nước nào rồi cũng dần dần mọc thêm những công trình hoành tráng, cái sau sẽ cạnh tranh, to hơn cái trước, khỏi phải nôn nóng, vội vàng.
Thêm một điều mà mình thấy mình ngon lành hơn hàng xóm nữa là xứ Hồng Kông một giọt nước, một cọng rau cũng phải mua nhập từ nước ngoài. Họ hổng có nền nông nghiệp, làm gì có đủ bộ tứ: sĩ - nông - công - thương hùng hậu như ta. Ha..ha…
Tuy nhiên, túm lại, dù hổng cúi đầu trước mấy phát “hù” của xứ người, nhưng ta vẫn phải gật đầu công nhận sức mạnh thần kỳ của bàn tay con người quả là đáng nể! Nhìn những cây cầu khổng lồ bắc qua biển, núi, nhìn những thành phố sáng rực lộng lẫy quanh bờ biển, ta quá sức nể phục bàn tay kiến tạo của con người. Ở Hồng Kông, có lẽ cái không gian làm mình thích nhất là đứng ở tòa nhà trung tâm hội nghị và triễn lãm Hồng Kông (tòa nhà được kiến trúc như hình một con chim hải âu, là nơi diễn ra lễ trao trả Hồng Kông về cho Trung Quốc vào năm 1997) nhìn qua thành phố bên kia biển. Cái không gian ở đây thật quá tuyệt vời! Người Hồng Kông rất tin phong thủy, mình chẳng biết nơi này có cái phong thủy gì, nhưng đứng ở đây dù giữa những công trình bê tông sắt thép lừng lững, mình vẫn cảm thấy rất nhẹ nhàng dễ chịu khi phóng tầm mắt nhìn về thành phố bên kia biển.
Phát “hù” thứ ba không phải xứ Hồng Kông hù mình mà là nhà văn Hoàng Đình Quang “hù” ngoại ngữ với mình! Khi cả đoàn đến tham quan khu miếu Huỳnh Đại Tiên (khu miếu nghe nói là cổ và linh thiêng nhất HK), mình đang rảo bước nhanh để tránh khói hương và dòng người hì hụp bái lạy thì “lão” ngoắc mình lại bảo:
- Này, đằng kia có cả một nơi để cầu nguyện cho nền thơ ca đấy!
Nhìn cái mặt phảng phất nét “gian” tinh nghịch của lão, mình bĩu môi cười:
- Xì, xạo!
- Ơ hay! Thật mà! – Lão trợn mắt ra vẻ rất “thành thật” – Không tin hả? Lại mà xem này, có cái bảng viết chữ “pô-ét” hẵn hoi.
Vốn liếng ngoại ngữ của mình ngoài hai từ cơ bản là “ô-kê” và “thanh-kiều” ra thì còn có một từ “chuyên môn” mà mình hơi biết biết là “pô-ét” tức thơ ca, thơ phú gì đó. Cho nên khi nghe lão nói đến từ này, mình bắt đầu thấy nghi nghi. Liền theo lão quay lại chỗ có cái bảng. Đứng ngoài vòng rào, lão chỉ cho mình cái bảng có dòng chữ: “You May Get Fortune-poem and Detailled Interpretation at Fortune-telling and Oblation Arcade . (Right hand-side of The Temple )” và lão dịch:
- Đấy, đấy… tạm dịch là : “Nơi đây bạn có thể cầu nguyện cho bạn và sự nghiệp thơ ca của bạn…”
Mình cười ngặt nghẽo nhưng lòng cũng nghi ngờ không hiểu cái chữ “thơ” rõ ràng trên bảng đó là nói về cái vụ gì! Tò mò, nhưng lười biếng chen chúc quay trở vào để chụp ảnh cái bảng, mình bèn nhờ lão quay lại chụp giùm. Và đây là “tác phẩm” nhiếp ảnh của lão (chụp cái bảng hổng biết có đủ chữ không):
Dòng chữ trên cái bảng này, mình đem về hỏi con gái, con bé tạm dịch bập bõm đại ý là: “Bạn có thể xin quẻ xâm có lời chú giải và dâng đồ cúng lễ dưới mái hiên (ở bên phải ngôi đền này)” (có lẽ từ “quẻ xâm” người ta hay viết bằng văn vần như thơ nên gọi là Fortune-poem chăng?)
Trời ạ, nếu dịch ngoại ngữ kiểu như lão Quang thì… ví dụ như lão đi vào một tiệm cắt tóc ở HK và chỉ vào đầu lão nói: “Này, tôi là một nhà thơ đấy, ông cắt cho tui cái tóc thế nào cho phù hợp với phong thái của một nhà thơ”. Và ông chủ tiệm cắt tóc sẽ hiểu rằng: “Này, ông cắt thế nào cho đầu tui chỉ còn lơ thơ vài sợi tóc, để tui đi dạo thơ thẩn khắp nơi nhiều ngày mà khỏi phải gội đầu”. Ha..ha…!!!
Mấy ngày lê la xứ HK, trong đầu mình đậm thêm câu hỏi bấy lâu nay cứ treo lơ lửng: Không biết sống trong xã hội hiện đại, cuộc sống của con người có thật sự tốt hơn sống trong thời nguyên thủy không? Khi nhìn thấy những người trẻ tất bật quay cuồng suốt ngày với công việc và ăn chơi, để rồi tối về chui rúc chen chúc trong vài chục mét vuông chật hẹp ở những tòa cao ốc chung cư như tổ ong, không biết khi kết thúc cuộc đời, nếu đặt cụ già ấy cạnh một cụ già sống cả đời nơi núi rừng hoang dã, không biết hai cụ sẽ có suy nghĩ kết luận thế nào về cuộc đời?
Theo thunguyetvn.com
Bài viết tưng tửng mà sâu sắc, ra vấn đề lắm. Thu Nguyệt viét văn, làm thơ rất cá tính, khẳng khái bộc trực mà rất đau. Đoạn văn viết về Lão Quang cũng ấn tượng đấy chứ
Trả lờiXóa