12 tháng 11, 2010

Cảm Tạ

CẢM TẠ 
Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn vô tận từ sâu thẳm trái tim mình
đến các bạn bè của tôi,
các anh chị và các bạn của tôi, đã:
- Giúp đỡ chúng tôi về vật chất, công sức...
- Đến viếng và chia buồn
- Gửi vòng hoa và phúng điếu.
- Gửi thư, gửi điện, gọi điện và nhắn tin
- Đưa tiễn
vợ tôi là


NGUYỄN THỊ BÍCH HẠNH
 

Qua đời ngày 18-8-2010 (tức 9-7 năm Canh Dần)
Tiếc là không còn lời nào để nói cho trọn lòng biết ơn của tôi, của các con, cháu tôi.
Xin các bạn, các anh chị nhận từ chúng tôi một lời đáp ân tình.
HOÀNG ĐÌNH QUANG
________________________________________________________
 Một tháng trời đã trôi qua. Đó là thời gian cay nghiệt nhất đối với tôi, và cũng không phải chỉ dừng lại một tháng mà sẽ còn lâu nữa, dài nữa.
Bố con chúng tôi biết vợ tôi mắc bệnh hiểm nghèo từ gần 2 năm qua. Một cơn sốc ập đến với chúng tôi, vì biết rằng, ung thư là căn bệnh khó có thể chữa khỏi. Sau gần 1 năm chữa chạy tích cực nhất, bằng tất cả các phương pháp hiện có, với nỗ lực bản thân phi thường cũng như sự chăm sóc, động viên của bố con chúng tôi, vợ tôi được các thầy thuốc xác định là "đã ổn định", cho xuất viện.
Phú Quốc - 14-7-2006 17:18 pm

Và quả thực, niềm vui đã đến với chúng tôi. Vợ tôi đã trở lại làm việc bình thường, và có những chuyến đi dạy và công tác xa nhà như Vũng Tàu, Hậu Giang, Côn Đảo, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình... Đặc biệt là khi cháu nội chúng tôi Hoàng Cát Diệp Linh chào đời, lên chức bà nội, vợ tôi như chưa từng bị bệnh.
Đột ngột, vợ tôi bị sốt nhẹ, và biếng ăn. Trở lại bệnh viện thì... mọi sự đã quá trễ. Tế bào ung thư đã xuất hiện trong gan.
Biết là không thể cưỡng lại số phận, nhưng chúng tôi vẫn còn 1 tia mong manh tin vào phép màu. Mà phép màu lại thường xuất hiện ở phút cuối cùng. Nhưng, phép màu đã không hiện ra với chúng tôi.
Đã từng chứng kiến người bệnh ung thư gan, chúng tôi nghĩ sẽ có những cơn đau dữ dội, kéo dài cho đến khi cơ thể suy kiệt. Mọi phương án chống đau đã được đề ra: một bác sĩ, bạn chúng tôi công tác tại Bệnh viện Tâm thần sẽ giúp chúng tôi có được morphine khi cần đến.
Một tháng, vợ tôi vẫn không đau, cơ thể có gầy đi nhưng chưa suy kiệt, dù biết khó qua, nhưng không phải trong vài ngày.
Đại hội nhà văn diễn ra tại Hà Nội, tôi quyết định không dự, nhưng vợ tôi động viên tôi: "Anh đi đi, em chưa sao đâu! Anh tranh thủ về nhà lấy một ít thuốc Nam của mẹ truyền lại cho em. Anh ở nhà người ta lại nghĩ vì em mà anh bỏ công việc".
Chiều tối 4-8 tôi mới ra đến Khách sạn Kim Liên, không tham gia cuộc họp đảng viên như thông báo. Hôm sau bầu cử, người ta xếp tôi vào Ban kiểm phiếu, với điều kiện khắt khe "không mở điện thoại di động". Tôi biết ban kiểm phiếu sẽ làm việc khá lâu, mà tôi lại phải liên lạc điện thoại thường xuyên về nhà. Tôi gửi một mảnh giấy cho nhà thơ Trần Đăng Khoa, ngồi ghế chủ tịch đoàn, xin rút. Ông Khoa đồng ý.
Tại đại hội, tôi không gặp ai. Đức Hậu ngồi ghế chủ tịch đoàn, bỏ ra hành lang ngồi với tôi, vì đọc được bài thơ của tôi, biết vợ tôi đang mắc bệnh hiểm nghèo. Tôi gọi điện về nhà, con trai cho biết: "Mẹ ăn cháo, đang gội đầu ở tiệm".
Hôm cuối cùng, 6-8, sau bữa cơm trưa, tôi ngồi một lúc với Nguyễn Quang Thiều, rồi không dự lễ bế mạc mà về Thái Nguyên, lấy thuốc rồi hôm sau trở vào Sài Gòn.
Tôi vẫn mơ hồ tin ở phép màu, vì tôi biết đã không dưới 1 trường hợp phút cuối cùng bệnh tật lại rút lui.
Mấy ngày ấy tại Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh có 4 cuộc họp liền nhau, tôi có nhiều giấy mời, nhưng không dự cuộc nào. Chiều 17-8 anh Lê Quang Trang gọi cho tôi, hỏi sao không dự họp? Tôi trả lời: "Sức khỏe vợ tôi nguy hiểm quá, anh cho tôi được miễn mấy cuộc họp". Anh Trang bảo: "Thôi thế cứ ở nhà, để vài hôm nữa, anh em tớ đến thăm nhé".
Chiều hôm ấy, bà chị gái vợ tôi từ ngoài Bắc vào. Cô em dâu tôi thì đã vào gần 1 tháng, ở chơi nhà con trai, tối ấy cũng về nhà tôi. Mọi ngày tôi và con trai thay nhau thức giúp vợ tôi vệ sinh, ăn uống, ngày cũng như đêm. Đêm ấy có chị em, và con trai tôi thức, tôi không phải thường trực, nhưng không ngủ được. Tôi đi lại vẫn thấy hai chị em nói chuyện.
Sáng hôm sau, khoảng gần 7 giờ, vợ tôi hỏi tôi: "cái máy nước nóng nhà mình còn tốt không". Tôi bảo vẫn tốt. "Anh bật lên cho em tắm". Bà chị can: "Mới sáng ra còn lạnh, để trưa hãy tắm". "Thế thì lau người cho em".
Khoảng 7 giờ, con tôi gọi: Bố ơi... Mẹ....!
Tôi chạy lên thấy mạch yếu lắm. Đo huyết áp thấy tụt xuống nhiều quá. Tôi gọi cho Bác sĩ Ngại, Ngại bảo: Em đến ngay!
Tôi bảo lấy nước sâm, nhưng vợ tôi lắc đầu, mắt mở to nhìn tôi một lúc, rồi từ từ nhắm lại!
Đó là lúc 7:40 AM ngày 18-8-2010. Con trai lay vai, con gái lay chân, chị và em xốc lưng, nhưng vợ tôi mãi mãi không mở mắt nữa.
Một buổi sáng mát mẻ, yên lành, vợ tôi lặng lẽ ra đi, sau 31 năm 6 ngày ở bên tôi.


QUẢNG BÌNH - 14-7-2010 7:46:34 AM
- Một trong những tấm ảnh cuối cùng.
Trong khi cùng các con trai, con dâu, con gái tắm rửa và thay quần áo cho vợ, trái tim tôi lạnh cứng, không phân biệt được cảm giác. Đặt vợ nằm ngay ngắn trên giường ngủ, tôi bần thần, không biết bắt đầu phải làm gì. Chợt nhớ ra, tôi gọi cho Trần Thế Tuyển, TBT báo Sài Gòn Giải Phóng: "Cho mình một cái cáo phó nhé". "Ai thế?". "Vợ mình". "Trời ơi! Thôi ông không phải đến, cứ mail cho tôi đi". Tôi biết cái thủ tục đăng tin buồn là phải có giấy chứng tử, đến tận tòa báo, ký hợp đồng. Tuyển đã ưu ái cho tôi.
Tôi mở máy soạn "cáo phó". Vừa mở ra thì Thanh Chung từ Mỹ hỏi: "Chị ấy thế nào?". "Vợ anh vừa mất cách đây 1 giờ!". Rồi thôi. Tôi tiếp tục gõ máy, sai lung tung. Chợt có người vỗ vai, tôi ngẩng lên: Hữu Thỉnh!
Hữu Thỉnh ôm lấy tôi, "Cho tao thăm cô ấy! Thăm cô em tao".
Tôi đưa anh đến bên giường vợ tôi đang nằm, để anh nhìn mặt. Hữu Thỉnh chắp tay: "Anh đến thăm em đây! Thương em quá. Thôi em yên lòng ra đi! Mọi việc còn lại, các anh sẽ làm tốt để em vui". Anh đặt cái phong bì (1 triệu) lên ngực vợ tôi rồi quay sang ôm lấy tôi. Anh khóc. Và lập tức tôi òa khóc, như trái tim mình đột ngột bị tháo van nén...
Hữu Thỉnh chưa gặp vợ tôi, cũng chưa bao giờ đến nhà tôi. Buổi chiều Ngô Vĩnh Bình đến cho tôi biết: Ông Thỉnh đang dự hội thảo, nói mấy câu mở đầu rồi đi luôn đến nhà anh đấy! Ai nói mà ông Thỉnh biết nhỉ?
Tôi nhắn tin cho Đào Ngọc Hòa (Hoa Huyền). Lúc sau Hoa Huyền đến nhét vào túi tôi 10 triệu, bảo anh cứ tiêu cho công việc đi. Suốt trong những ngày đó Hoa Huyền luôn có mặt, anh đã chụp cho chúng tôi trên 230 tấm ảnh.
Lúc này các em tôi, các cháu đã về, và Khoa Tâm Lý Giáo dục ĐHSP TPHCM nơi vợ tôi đang công tác cũng đến.
Bắt đầu hàng trăm việc dồn lên đầu tôi. Không có ai để bàn. Nhiều người góp ý quá, tôi nói với con trai:
- Sẽ để mẹ quàn ở nhà, vì đây là căn nhà mẹ đã sống gần trọn đời, sinh các con cũng ở nhà này, để mẹ từ đây ra đi... Ta sẽ đưa mẹ an táng ở nghĩa trang Đa Phước cho gần nhà, (12km) tiện việc thăm nom. Đây cũng là Nghĩa trang nhà nước, có biến động cũng phải 30 - 40m năm sau...
|Có người bàn: với tiêu chuẩn chị ấy được đưa đến quàn tại nhà tang lễ TP, rồi an táng ở Nghĩa trang Củ Chi... nhưng tôi không nghe theo.
Tôi gọi một người bạn nhờ việc tìm cơ sở dịch vụ mai táng, nhờ người dẫn đứa cháu đến Nghĩa trang đăng ký đất chôn, nhưng phải có giấy khai tử. Việc làm giấy khai tử cũng không đơn giản. Phải tìm bệnh án, hộ khẩu, giấy chứng tử... cũng may hôm ấy là thứ Tư, là ngày UBND Phường làm việc, lại phải nhờ dịch vụ mai táng làm dịch vụ khai tử. (Con trai tôi tìm mãi không thấy cái quyển Hộ khẩu, sau tôi thắp hương khấn Ông Địa (Thổ công), rồi bảo con tôi: "Con tìm lại đi, trong tủ đấy". Nó tìm lại thì thấy hộ khẩu lọt xuống khe tủ).
Tưởng đơn giản là mail cho Trần Thế Tuyển, nhưng hóa ra rất phức tạp, vì chưa xác định được ngày giờ liệm để viếng và ngày đưa đi an táng.
Đang nhờ người điện hỏi thầy chùa, thì may sao có nhà sư Văn Anh, vốn là sinh viên học vợ tôi đến. Sư Văn Anh tu ở chùa Long An, là sinh viên học Tâm lý. Văn Anh quý vợ tôi và nhận làm con tinh thần. Văn Anh đoạt giải nhất toàn Trường về môn "Dạy học Giáo án điện tử" do vợ tôi hướng dẫn. Thế là mọi chuyện lễ nghi tôn giáo có nhà sư cử nhân này lo liệu. Cho đến hôm nay, mỗi kỳ cúng "Thất" (7 ngày) cả nhà tôi lên chùa, cầu siêu đều có Văn Anh và các nhà sư lo liệu. Văn Anh và 1 vài nhà sư nữa, hàng tuần đến tận nhà tôi để cúng. Có giờ liệm và ngày giờ đưa đi rồi, tôi mail cho Trần Thế Tuyển. Hôm sau báo in ra tôi mới thấy: mình đã quên không ghi địa điểm viếng là nhà riêng của chúng tôi. Chắc Tuyển cũng không đọc, mà chỉ thêm vào bên dưới lời chia buồn của Báo. Nhiều bạn bè đọc báo biết tin, lại phải điện thoại hỏi mãi.
Vợ tôi quê ở thị trấn Phú Xuyên tỉnh Hà Tây cũ. Sau khi tốt nghệp ĐHSP Hà Nội, vào Sài Gòn giảng dạy môn Tâm Lý và Giáo dục học ở Đại học sư phạm TP HCM. từ năm 1978. Năm 1979 chúng tôi lấy nhau và sinh cháu trai đầu lòng năm 1980. Năm 1989 chúng tôi có thêm 1 cháu gái. 32 năm dạy học chỉ 1 khoa, 1 trường, nhiều thế hệ sinh viên của vợ tôi nay đã thành đạt, có người nổi tiếng đều về viếng. Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, chuyên gia tâm lý trên TV, là học trò của vợ tôi, tình nguyện đêm này cầm micro hướng dẫn khách đến viếng...
Công việc ma chay lôi cuốn tôi. Mọi chuyện trước đây quen dựa vào vợ, có gì thì lại bảo: "Thì hỏi cô ấy", nay phải làm một mình, tôi thấy mình cô đơn quá. Và bắt đầu hay nóng tính, không muốn tiếp chuyện ai nữa, chỉ muốn tìm một chỗ khuất để được một mình. Các con tôi lo cjo tôi.Điđâu vắng, con gái nhắn tin: "Bố về ngay!". Hàng ngày con dâu đến cơm nước cúng mẹ, tối lại về bên ngoại với con, chồng ngủ lại với bố và em. Đêm đầu tiên sau khi chôn cất vợ, khách về hết, còn 3 bố con cứ dúm lại với nhau. Thật đau đơn, buồn tủi.
Ngày hôm qua 15-9, con trai tôi phải thay mặt mẹ báo cáo nghiệm thu một đề tài khoa học cấp bộ mà vợ tôi là chủ đề tài, chưa kịp báo cáo.
*
Một tháng tròn qua đi. Buồn. Nhưng hơn cả buồn là nỗi lo âu, chán nản. Nhận được nhiều lời động viên, khuyên nhủ... tôi rất biết ơn, nhưng sao nó cứ trôi tuột đi. Trần gian này còn ai hiểu tôi không? Ơn nghĩa thì nhiều, không sao báo đáp hết được.
Những ngày qua, không mở blog, cũng không viết gì. Nhưng các bạn Hoa Huyền, Nguyên Hùng, Thanh Chung đã đưa tin, cập nhật và thay tôi cám ơn đến mọi người. Tôi xin cám ơn Nguyên Hùng, Hoa Huyền và Thanh Chung rất nhiều.
Đến giờ bạn bè xa gần vẫn gọi điện, nhắn tin, chia sẻ cùng bố con tôi. Nhân nghỉ lễ 2-9 dài ngày, Bạch Dương bay từ Hà Nội vào thăm chúng tôi hôm 3-9.
HOÀNG CÁT DIỆP LINH VÀ BÀ BD (3-9-2010).Mấy ngày qua tôi đọc lại tất cả nhừng lời chia sẻ của các bạn tôi, và tỉ mẩn chép lại hết. Và tôi vô cùng ngạc nhiên: Nếu đem in thì được 1 cuốn sách dày 200 trang, khổ thường (13x19). Nếu tính cả các trang web và blog khác: TT văn hóa Hội nhà văn, lucbat.com, Hội ngộ, wordpress, Yahoo Plus, Đồng bằng sông Cửu Long, Văn thơ Việt... các blog của các bạn sinh viên sư phạm... thì còn dày hơn. Và tôi định sẽ tự in cho mình khoảng 10 bản sách để làm tư liệu gia đình...
Viết đến đây, lần lượt khuôn mặt bạn bè, anh em hiện ra... Cũng có nhiều người tôi chưa từng gặp, những cái tên, những nick-name xa gần đều hiện lên qua trí tưởng tượng của tôi. Những người ở rất xa như : Thanh Chung, Nico, MT... cũng hiện lên thân thiết.
Giở lại blog, tôi viết bài này để cám ơn và mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ từ các bạn tôi, các anh chị, bè bạn xa gần của tôi.

HOÀNG ĐÌNH QUANG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét