21 tháng 5, 2011

CẦN MỘT CUỘC LƯU LẠC NỮA - CUỘC LƯU LẠC TRỞ VỀ.

Văn Chinh  
 Thứ sáu, 24 Tháng 10 2008 21:44 

 Ngay trang đầu cuốn sách, tác giả đã giao hẹn rằng: “Nếu nó không hay, không hấp dẫn bạn thì tôi, với tư cách là tác giả, xin bạn hãy khoan buông xuống, mà đọc thử đoạn này. Rồi sau đó có đọc tiếp hay không, là quyền của bạn...” Đó là đoạn giới thiệu về làng quê mình qua câu thơ trong sách giáo khoa: Anh ở Vĩnh Yên lên/ Tôi trên Sơn Cốt xuống. Tôi đã đọc thử với ít nhiều tò mò và thấy dễ chịu với giọng văn thật thà, nhưng các nhân vật quái dị xuất hiện dần đã hấp dẫn tôi đến phải đọc xong cuốn tiểu thuyết mới có thể buông nó. (Tiếc rằng các cái quái dị chỉ giáo đầu ngoài màn, chứ không gắn bó gì với các nhân vật.) Người kể chuyện xưng tôi, suốt 358 trang sách không thấy nói rõ tôi là ai, nên chúng ta có thể coi đây là tự truyện của Hoàng Đình Quang, hay ít nhất, các nhân vật cũng có quan hệ mật thiết với tác giả, chính nó là một thủ pháp nghệ thuật làm nên tính hấp dẫn cho tác phẩm.
Đó là một làng đông dân ngụ cư, nằm bên cạnh một đồn điền cũ của chủ người Pháp, do những số phận khác nhau người tứ xứ về đây lập làng; một cánh đồng của làng mang tên Lưu Lạc là vì vậy. Có người như ông giáo Hoan, vợ bị chính bố vợ giết chết vì không nghe sự ép duyên của mình. Có người do nghèo đói tha hương, lại có kẻ chưa chừng đã từng lưu manh bất hảo. Cư dân vì vậy vừa có sự nhũn nhặn lam làm vừa có khá nhiều hành vi dị biệt; nó sẽ cắt nghĩa cho nhiều hành xử của các nhân vật và làm nên số phận họ. Nga, con ông giáo Hoan đang dạy học thì vì lấy Kỳ mà bỏ việc về nuôi dưỡng bố mẹ chồng trong khi Kỳ đi chiến trường. Bi kịch xẩy ra khi Kỳ hy sinh, anh là con trai duy nhất của lão Tuân, tức là cuối chót của dòng họ này ở Sơn Cốt. Lão Tuân cũng là kẻ biết đạo lý, lão có chữ nghĩa, nhưng có lẽ chính cái chữ nghĩa không đâu vào đâu khiến lão rơi vào mặc cảm bị tuyệt tự trong khi vợ lão ốm liệt rồi tà ý nẩy sinh, khiến lão mắc tội loạn luân với cô con dâu nết na. Cũng cần thêm rằng tại các cố hương, nơi các dòng họ đều có các thiết chế đạo lý và lương tri bảo bọc, những lão Tuân xử sự  việc nối dõi theo kiểu khác, kiểu nhận con của anh em hay thậm chí chính người em mình làm con nuôi và như vậy, nỗi lo hương khói sẽ không còn bị ám ảnh. Nhưng ở đây, nơi tứ xứ lưu lạc đến, lão bỗng cảm thấy bị trơ trọi ngay khi còn sống và lão đã toan tính để chống lại số phận, để có kẻ hương khói về sau với chính cô con dâu mà lão cảm thấy có bổn phận. Lúc đầu Nga cự tuyệt, khinh lão ra mặt; đây là đoạn văn thật hay, viết về thái độ của kẻ dưới với người trên “ở chẳng chính ngôi”thật đến lạ lùng. Hãy nghe vài câu Nga với lão Tuân đối thoại: “Ông Tuân bảo:
- Vợ Kỳ hôm nay ở nhà để thày đi cày chỗ đất cũ Đồng Quán cho
 Chị Nga đáp lại:
-  Không. Cứ ở nhà đấy.
Lần khác chị bảo:
- Đưa tiền mua đường cho u.” Rồi: “Chả thiết.”
    Cố nhiên là nói khi chỉ có hai người với nhau, còn khi có mặt người thứ ba, Nga vẫn bố bố con con với lão. Đó chính là thứ roi vọt tinh thần, lão Tuân nghe biết cả, nhưng lặng lẽ nuốt nhục chịu đau. Oái oăm là chính vẻ nhịn nhục, nỗi đau đớn do lo sợ bị tuyệt tự ám ảnh của lão hình như lay động Nga. Cái chênh chao thương người dọn đường cho nỗi thương mình -  mụ đàn bà “dở bữa” đã đưa cả hai đến bi kịch ê trệ nhất của một kiếp người là tội loạn luân.
      Từ đây, tiểu thuyết xoay xung quanh cuộc chạy trốn khỏi mặc cảm và dư luận của mẹ con Nga, họ sẽ từ cánh đồng Lưu Lạc mà lưu lạc tiếp; nhưng đó là cuộc lưu lạc trở về: Trên đường chạy trốn, Nga đã gặp Tĩnh, anh trai đi bè đã cưu mang mẹ con cô và họ đã yêu nhau; rồi ra Tĩnh sẽ bỏ cả chục năm tìm kiếm Nga như là sự thôi thúc của nhân tính và tình yêu đích thực. Nga chỉ mới nghe bố nói về đoạn đời kháng chiến 9 năm bên Phú Thọ nên trong cuộc chạy trốn này, cô đã sang Phú Thọ và thật lạ lùng, ông Thức, Cửa hàng trưởng Cửa hàng ăn uống đã vượt qua rào cản lý lịch và hộ khẩu thời đó mà cho cô chân hợp đồng nắm than quả bàng, cho cô chỗ ở sau đó mới biết ông chính là học trò thầy Hoan năm xưa.Thật là một ẩn ngữ nhân quả thâm trầm. Tiểu thuyết Cánh đồng lưu lạc chợt trở nên mênh mang sau một ẩn dụ đẹp: Chiến tranh đẩy số phận lão Tuân và Nga đến chỗ phi nhân, cần một nỗ lực ghê gớm để vùng thoát cái vòng vây do hoàn cảnh dồn đuổi họ vào, đó là hành trình lão Tuân tìm và định nhưng rồi không dám bắt cóc thằng Hận (con của lão và Nga); đó còn là sự cưu mang, che chở mẹ con Nga của ông bà Thức, của Tĩnh và với anh thì tình yêu đã trở lại nhưng đó là một chặng đường cay đắng quá dài, những bảy năm đáy biển mò kim. Nhưng chừng đó thử thách dường như vẫn là chưa đủ. Cuộc lưu lạc trở về còn cần phải đi qua lòng vị tha của người đã chết.
         Thằng Hận sinh ra khôi ngô, hiền lành nhưng ngớ ngẩn, không biết cười biết khóc. Có vẻ như nó mang một ẩn ngữ thâm trầm: Lão Tuân chỉ cầu cho có kẻ nối dõi, đó không phải là đứa con của tình yêu và khát vọng nhân sinh nên nó có vóc mà vô hồn, không đủ buồn, vui, yêu, ghét, giận, sợ, thèm muốn thì sao cho ra người được, lại mang cái tên ghê gớm như vậy? Nó sinh ra oan ức nhưng trong vòng tay của nhân tính: được bà Chủ tịch xã Sơn Cốt khai sinh cho, ghi rõ là con của bố Kỳ, dù bà biết chắc Kỳ hy sinh đã hai năm; được Tĩnh cứu chữa khỏi chết đuối, khỏi ốm đau; được ông bà Thức bảo trợ với ít nhiều vị kỷ, họ mong nhận Hận làm con nuôi. Nhưng Hận vẫn ngớ ngẩn, vô hồn. Chỉ đến khi, 20 năm sau, mẹ con Nga vào Sài Gòn gặp tôi, cả ba đi tìm mộ của Kỳ thì điều kỳ diệu mới xẩy ra: Khi tôi khấn “anh Kỳ sống khôn chết thiêng, hôm nay em đưa chị Nga và thằng Hận đến tìm anh đây. Anh ở chỗ nào thì hiển hiện ra cho chúng em biết…Tôi vừa dứt lời thì thằng Hận đứng thẳng dậy và cất tiếng cười. Tiếng cười ha ha của nó, của một người đàn ông thực sự, nghe vang vang âm âm, vọng vào mãi rừng xa, dội lại…Tôi tin là anh Kỳ đã hiển hiện.”Như thế, với sự tha thứ đồng thời “chứng nhận” của Kỳ, thằng Hận mới thành một con người được.
       Tiểu thuyết còn thêm được nhiều cung bậc tình cảm nhờ mối tình danh chính ngôn thuận là chị em nhưng cứ man man tình yêu trai gái giữa chị Nga và tôi, người kể chuyện. Ta hãy hình dung, khi tôi buộc phải trần thuật chị Nga của mình từ thân phận cao quý và lãng mạn; Nga chính là thần tượng của tôi, tình yêu của tôi vậy mà rồi chị đã sang ngang lấy chồng, đã ngủ với bố chồng. Chỗ này non tay và cảm tính là hỏng toàn bộ cuốn sách, nhà văn sẽ nhân danh đạo đức xã hội mà hạ những câu “chôn sống” lão Tuân cho hả dạ. Nhưng tác giả đã đặt cái nhìn khách quan lên trên niềm bi phẫn vẫn không che giấu hết và nhân vật lão Tuân trở nên sống động, lão sẽ chết già trong hiu hắt buồn vì mặc cảm, nhưng ta cảm thấy nụ cười mãn nguyện của một kẻ dám đánh lừa và đánh lừa được số phận trước khi lão vĩnh biệt thế gian này. Câu chuyện do đó như có bè trầm đệm giữa những khúc buồn vui hờn giận và ngang trái khiến nó đa thanh và cho phép nhiều liên tưởng. Cánh đồng lưu lạc là cuốn sách duy nhất tôi đã đọc của Hoàng Đình Quang, nhưng chừng đó là đủ. Đây là một nhà văn có nghề lão, có khát vọng nhân văn, tôi tin như vậy.
       Chỉ đáng tiếc, khát vọng nhân văn ấy lẽ ra phải được thả tự do trong một bố cục đã rất vững chãi, thì do các nhân vật chưa được chăm sóc chu đáo mà con thuyền tiểu thuyết còn dùng dằng giữa ý niệm bên này chứ chưa cập bờ tư tưởng nghệ thuật. Lão Tuân về cuối đuội dần rồi mất hút, ngược hẳn với tính cách lão từng được miêu tả rất bền bỉ, lắm mẹo mực và bất chấp. Tĩnh, vai thứ chính thì như thế là đã có vóc dáng; còn vai chính Nga lại khá “bẹt”so với tiềm năng của nhân vật này. Xin giả định: Nga bị quăng quật hơn nữa, thậm chí đã hay sắp thành “bụi” thì thật hơn trong hoàn cảnh không hộ khẩu, không nghề nghiệp trong khi một nách con thơ bệnh trọng? Nếu như thế thì hành trình lưu lạc trở về của nó sẽ chói sáng hơn. Hình như nhà văn quá mong muốn mọi sự được khuôn xếp trong lòng tốt, nên các nhân vật không được tung hoành như lý ra nó cần được tung hoành?
      
      (Nguồn: vanchinh.net)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét