10 tháng 4, 2010

CHẲNG PHẢI SỪNG, CŨNG PHẢI TAI


Chúa Sơn Lâm đang đi dạo trong rừng thì một con vật nào đó chạy ngang qua vô ý, để sừng của mình đâm phải sườn của Chúa Sơn Lâm. Bực mình, Chúa Sơn Lâm ra sắc lệnh:  "Nội trong 3 ngày tới, tất cả những con vật nào có sừng, đều không được phép cư trú trong khu rừng của ta".
Một buổi chiều, Thỏ đến bên bờ suối, lòng trĩu buồn nói với các bạn:
- Xin từ biệt các bạn! Mình phải đi...
- Sao vậy? Lệnh chỉ đuổi những ai có sừng thôi mà? Bạn có sừng đâu?
- Bạn không thấy đôi tai dài của tôi sao?
- Nhưng mà tai chứ có phải sừng đâu?
Thỏ vẫn nghẹn ngào:
- Tôi hiểu chúa Sơn Lâm! Khi mà các Ngài đã điên lên, thì không cần phân biệt sừng hay tai! Cứ cái gì dài dài là đuổi...
(La Fontaine)
Tục ngữ quê tôi có câu "Chẳng phải đầu cũng phải tai". Tôi hiểu nghĩa câu ấy là khi xảy ra đánh nhau, thì đừng luẩn quẩn ở đó, dù anh không là thủ phạm, dù không tham gia, nhưng vẫn có thể bị đánh oan.
Khi lớn lên, đọc La Fontaine, tôi gặp bài thơ này (chuyện trên đây), tôi lại thấy ra 1 câu tục ngữ khác: "Chẳng phải sừng cũng phải tai". Không biết hai câu này có chung họ hàng, gốc gác gì không, nhưng cũng thấy thật ngậm ngùi cho số phận thần dân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét