30 tháng 7, 2011

NGƯỜI VIỆT NAM ĐẾN SINGAPORE

Tôi đến Singapore lần này là lần thứ 2. Lần đầu, cách đây một năm rưỡi, chỉ tò mò muốn biết về đất nước nhỏ bé mà khá lừng danh này. Giàu có, trật tự và đặc biệt là sạch. Câu chuyện 1 công dân Mỹ, bị phạt bằng roi vì cái tội nhả bã kẹo cao su ra đường. Thấy công dân mình bị đánh đòn, cũng quê nên Tổng thống B. Clington can thiệp, nhưng không ăn thua. Đi mà cũng thấy sợ, lôi thôi, nhỡ ra sơ ý bị ăn roi Singapore thì cũng ngán.
Lần này thì có vẻ hiểu rồi, nên tôi thấy thoải mái hơn nhiều.
Ai đã du lịch đến Singapore, chắc là cũng được đưa đến xem biểu diễn nhạc nước bên bờ biển. Không hay, nhưng tour đưa đến thì cứ đi. Hai cha con tôi vào khu biểu diễn, những hàng ghế gỗ chắc chắn kê theo hình móng ngựa hướng về dãy nhà kiểu như xóm chài bên ta. Tất cả sạch bóng.
Cùng với chúng tôi, có người Châu Âu, Trung Đông, người Trung Quốc nhiều nhất, nhưng người Việt Nam cũng khá đông. Chúng tôi gặp các đoàn từ Hà Nội, Sơn Tây, Hải Phòng, Huế, Quảng Nam, Phú Nhuận, Tây Ninh… Khán giả khoảng trên dưới 3000 người, tôi ước vậy và thoáng nghĩ: nếu ở Việt, sau biểu diễn, hiện trường chắc chắn sẽ là một bãi rác cho mà xem, dù khán giả là trai thanh gái lịch hay chính khách, trí thức… Tôi không vội và nán lại sau cùng xem cái chỗ của người Việt nam sau ra về thế nào? Sạch bóng! Không một sợi rác, dù cọng tăm hay mẩu giấy. Thế đấy, người Việt nam, dù là ai đi nữa thì cũng rất xứng đáng với xã hội văn minh.
Tôi lại nhớ đến lời giải thích của ông tiến sĩ Trần Ngọc Thêm, nhân chuyện người ta ở Hà Nội xông vào bẻ hoa, cướp hoa, tàn phá hoa ở Hội hoa Xuân tết năm Kỷ Sửu. Ông Tiến sĩ Thêm nói thế này: Sở dĩ có chuyện cướp phá hoa là vì Hà Nội có nhiều người ở nhà quê ra sinh sống. Người nhà quê có thói quen, bẻ hoa ngắt lá rồi, nên thấy hoa là xông vào bẻ là tự nhiên thôi. Hóa ra “người nhà quê”  là thủ phạm vì họ mang theo thói quen. Khổ một nỗi những người “bê cả chậu hoa” lại không phải là người nhà quê gốc.
Tôi lại nhớ đến một đoạn sử Tàu. Một sứ giả người nước Lỗ sang nước Tần, người Tần bắt được một tên ăn trộm quýt dẫn vào nói với sứ giả: “Nước Lỗ toàn quân ăn trộm”. Sứ giả đáp: Cây quýt trồng ở nước Lỗ cho quả ngọt, đem sang Tần trồng, quả nó chua đấy”. (Có thể tôi nhớ nhầm về tên nước).
Từ thực tế (tôi thấy) ở nước Singapore, và (nghe được) nước Tàu, tôi nghi là ông Tiến sĩ kia suy diễn hẹp hòi quá, ẩu tả quá. Ông dạy học trò mà suy diễn kiểu ấy thì chả trách gì… quả quýt nó chua!
Họ phạt nặng đối với những ai vứt rác ra đường, nhưng họ có rất nhiều thúng rác. Mọi đường phố những chiếc thúng rác màu xanh to bằng thùng phuy 200 lít, có nắp đậy, được đặt cách nhau khoảng 30 mét. Nghĩa là, nếu ai muốn vứt rác chỉ cần đi không quá hai chục bước chân là có chỗ xả rác. Người lấy rác liên tục, không bao giờ có rác đầy phè ra như bên ta. (Bên ta mà đi trên phố may ra mới có cái thùng rác, vừa nhỏ, lúc nào rác cũng tràn ra đường). Có đường phố buôn bán, mỗi nhà có thùng rác trước cửa, mấy người đàn ông ngồi phì phèo hút thuốc, bỏ tàn và đầu mẩu vào đấy.
Họ cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng thùng rác nào cũng có cái gạt tàn thuốc trên nắp. Ai hút cứ đến đó mà hút. Ngay ở cái chỗ đặt con sư tử mình cá, vẫn có mấy thùng rác, có gạt tàn cho người hút thuốc. Hình như người Singapore cấm hút thuốc nơi công cộng không chỉ vì ô nhiễm khói thuốc, mà chính là cấm vứt đầu mẩu, vỏ bao. Tôi với nhà thơ Lê Văn Ngăn đã từng vào một siệu thị rất lớn, ngay trước cửa có một cái gạt tàn thuốc to bằng cái… giếng đình bên ta, tròn, đường kính khoảng 10 mét, có nước chảy róc rách. Ai hút cứ việc tựa lan can mà hút, mà gạt tàn, mà vứt đầu mẩu!
Singapore nhỏ chỉ ngang với huyện Cần Giờ của TP Hồ Chí Minh. Họ mới chỉ có lịch sử hơn 40 năm, chứ làm gì được 4000 năm như ta! Họ không có tài nguyên, không có rừng núi, đến nước uống cũng phải mua. Vậy mà đến nước họ thấy đáng nể thật. Con sư tử mình cá của họ thành linh vật nổi tiếng thế giới. Xã hội họ trật tự, văn minh. Người dân giàu có, ổn định, yên tâm. Giáo dục, y tế ở tầm cao quốc tế. Tôi nghĩ, tài sản duy nhất của người Singapor chính là… cái đầu của người lãnh đạo đất nước!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét