9 tháng 7, 2011

PHAN THIẾT TRONG MỘT NHÀ THƠ


HÀ THU THỦY

altMười tám năm sau tập thơ đầu tiên, Hoàng Đình Quang mới in tập thứ hai.
“Hát chẳng theo mùa” đến tay tôi khá muộn, qua một người bạn. Tập thơ không đẹp, chỉ một sắc màu nóng nhưng khi đã đọc bài đầu tiên thì tôi quên luôn cái đơn giản của bìa mà cứ thế miệt mài đến trang cuối.
Hầu như bài thơ nào cũng gây ấn tượng với tôi. Có những câu thơ thơ đến ngạc nhiên, có những câu như nói, chẳng vần chẳng điệu vẫn đưa được vào nhuần nhuyễn giữa bài, có những da diết, bần thần, có những đớn đau, hụt hẫng...Tôi nghĩ nhà văn này chắc cũng gặp nhiều sóng gió.
Phần đầu tập thơ gồm 35 bài, phần sau, “Phan Thiết mùa đông”, 20 bài.
Người đọc có thể biết Hoàng Đình Quang qua phần đầu bài thơ, nơi anh sinh ra
“Cái làng Sơn Cốt của tôi
Bé như hạt tấm ông trời lọt tay...
...Tên làng gợi một núi xương
An lành thì ít, tai ương thì nhiều”.
(Làng Sơn Cốt của tôi)
Đi theo phần đầu này, biết HĐQ vốn là một người ra trận, không biết cơn cớ gì khiến anh cầm bút “Tôi dớ dẩn- anh nhà văn phọt phẹt”, có một người vợ “Bướm ong về không làm nản lòng em”, có nhiều phút “thả nỗi buồn đi đuổi bắt” như mọi người cầm bút khác...nhưng cái đọng lại nhiều nhất trong phần đầu, có lẽ dù tác giả không nghĩ thế, đó là giới thiệu đến người đọc một HĐQ quá nhạy cảm, vừa e ngại làm mất lòng người vừa sợ phiền thiên hạ. Những người này có chung tên gọi là Người ngập ngừng.
Phần hai tập thơ, như cách chia giai đoạn của tác giả, là tình cảm thật với một địa danh, mà thực chất là với một con người.
Xuyên suốt 20 bài, hình ảnh về một vùng biển hiện lên rất rõ với cát đỏ, biển xa, những con sò...và con người gắn với biển. Nếu phần đầu là những câu thơ nuột nà:
“Anh đứng lặng trước dòng sông số phận
Chuyến đò hoa quay mũi tự bao giờ”
“ Không thể nói yêu em như thuở còn vụng dại
Cái thuở nhìn đâu cũng báo hiệu một mối tình”
(Mối tình sau)
Hay:
“Nếu cuộc đời này không có chỗ để hôn nhau
Trong giấc mơ hãy đưa em về Bãi Trước”
(Vũng Tàu)
Thì phần hai có nhiều câu thơ như cuộc trò chuyện giữa hai người, hay những câu nhắn trong điện thoại, câu chát trong yahoo
“Lời khai thiếu thành khẩn
Tội danh được thành lập”
(Buổi sáng thành khẩn)
“Em và anh từ nay đến già vẫn thế
Vẫn thế này ư

Vẫn thế này thôi”
(Lời tiên tri trong ngày Valetine)
“Em về rồi chống chếnh gì đâu
Cái gì cũng chông chênh
Và cái gì cũng khuyết
Và cái gì cũng chẳng ra gì hết
Và cái gì em cũng mang đi”
(Em về)
Phần hai là nỗi nhớ quay quắt, nhớ đến đánh mất mình, nhớ đến xung quanh dường như tan biến hết.
Khi ngơ ngác:
“Tất cả đều có thật
Không lẽ nào không có
thật
Em?”
(Tiễn)
Khi ao ước điều viển vông:
“Nếu được trở về với tuổi mười lăm
Em sẽ làm gì, hỡi em thương mến”
(Mơ hồ)
Khi phát cáu lên với chính mình:
“Đỏ như thế làm gì?
Cô đơn như thế làm gì
Dừng lại như thế làm gì
Cát”
(Cát đỏ)
Rồi đành công nhận:
“Chẳng ai dối được lòng mình
Anh yêu em biết mấy”
(Không đề)
Tất cả những tình cảm này được thể hiện rõ trong một bài thơ “ Phan Thiết mùa đông”
Khác với những bài thơ từng viết trước đó, “Phan Thiết mùa đông” được bắt đầu bằng một tuyên bố nghe ra có vẻ hùng hồn:
“Anh không có gì với Phan Thiết
Ngoài em”
Dịch nghĩa: Với anh, địa danh này anh biết chỉ vì em ở đó. Trước và sau em, trong anh không có Phan Thiết. Nhưng từ bây giờ, Phan Thiết không chỉ là tên đất, tên làng mà còn là một tình yêu, có nhung nhớ, có giận hờn, có đến và có lẽ có đi. Phủ định “Anh không có gì với Phan Thiết “ và khẳng định “Anh không có gì với Phan Thiết. Ngoài em” đã đặt Phan Thiết vào cái thế chông chênh, khó xác định, có thể vững bền mãi mãi, có thể mất ngay hôm nay. Cái mơ hồ ấy, cùng với tâm trạng cố làm ra vẻ cứng cỏi ấy của tác giả ngay câu thơ đầu tiên đã hứa hẹn một bài thơ hay.
Phan Thiết sẽ hiện lên khá rõ trong bài thơ với sông Cà Ty xanh, với Lầu Ông Hoàng, với những viên gạch vỡ, với mây trắng, với sương rơi, với trăng lạnh...tất cả như có một vẻ gì đó vừa hoài cổ, vừa xa xôi, vừa sang cả...cảnh vật thì như vậy nhưng bên trong nhà thơ, một ngọn lửa nhen tự khi nào không thể dập tắt nổi đang thiêu đốt. Hoá ra cái lạnh lùng ấy được dùng như bình chữa lửa.
“Buổi sáng một mình và những câu hỏi nhỏ
Câu trả lời sẽ không bao giờ có”
Tình cảnh này lặp đi lặp lại, đeo bám không rời. Sẽ rất khó chịu cho một người bình thường đang yêu. Nhưng sẽ rất dễ chịu cho một nhà thơ đang yêu. Bởi đây là lúc tâm hồn xao xuyến, bay bổng vượt lên trên cuộc sống. Trong trạng thái yêu đơn phương một ai đó, thơ là cứu cánh, là phương tiện, là người tâm phúc nhất. Đây cũng là lý do để Phan Thiết mùa đông thành bài thơ tôi cho là hay nhất trong “Hát chẳng theo mùa” và trong tất cả những bài thơ của Hoàng Đình Quang. Tình yêu không phải là mối quan hệ ấy đã làm nên những câu thơ hay đến giật mình:
“Không có em?
Anh đã làm ra một riêng em
Để được thả nỗi buồn đi đuổi bắt
Ngay cả lúc mối tình không có thật
Anh vẫn ngồi mê mải vẽ vào đêm”

“Anh sẽ chọn cho mình một nụ cười riêng
Một ánh mắt riêng
Mùa đông đến rất gần Phan Thiết
Anh lại nhớ, bần thần, tha thiết”
Người Hoàng Đình Quang chấp nhận “Không có em anh uống với trăng ngà” sẽ như thế nào?
“Em nhìn sâu vào tận đáy mắt mình
Những ánh lửa khát khao và hờ hững”
“Khát khao và hờ hững” hay khát khao mà hờ hững? Bởi đây là hai trạng thái tình cảm trái ngược nhau. Nó chỉ hợp lý khi một trong hai cái là giả tạo, “khát khao” hay “hờ hững” đây? Có lẽ mỗi người sẽ tìm thấy câu hỏi của chính mình mà không liên quan gì đến người HĐQ nói đến trong bài thơ này.
HĐQ cũng nhận thấy nội tâm rắc rối của “nàng”
“Em đi và lạnh hẳn những buổi chiều
Trong ánh mắt, cánh buồm không có gío
Lầu son đã thành hoang phế
Ông Hoàng nào đã đi về cõi xa”
“Trong ánh mắt, cánh buồm không có gío”...
Và đúng vậy, những “câu trả lời sẽ không bao giờ có”, những “Đốm lửa cháy khát khao và hờ hững”, những “ánh mắt, cánh buồm không có gió”...và hơn thế khi tác giả đã “làm ra một riêng em” thì kết cục không viên mãn là điều sẽ thấy
“Có cuộc đời không thể sống cùng nhau
Có con đường không thể cùng đi hết
Anh dừng lại ở bên này Phan Thiết?
Mùa đông!”
HĐQ xác định mọi thứ đều không thể, cuộc đời không thể sống, con đường không thể đi và quyết định dừng lại phía bên này Phan Thiết.
Nhưng bên nào mới là “Bên này Phan Thiết”?, trong hay ngoài? Hãy hỏi HĐQ thử xem.
“Phan Thiết mùa đông” là một bài thơ tình day dứt nhất tôi đọc được ở HĐQ. Khi ấy là năm 2007, bầu trời vùng biển quá nhiều mây trắng Phan Thiết, hay vẻ hoang tàn cổ kính của Lầu Ông Hoàng với tên tuổi Mộng Cầm, hay cái mong manh của mối mối tình không có thực, hay cái đốm lửa khát khao hờ hững của “nàng” đã khiến HĐQ ra không khỏi cảm giác nhớ nhung, bần thần, vừa muốn có một câu trả lời, vừa muốn nuôi dưỡng nỗi buồn đơn phương này đến vậy?
HĐQ là nhà văn với nhiều giải thưởng cho 4 tiểu thuyết “ Những ngày buồn”, “Cánh đồng lưu lạc”, “ Xuân Lộc”, “Phản trắc”, 5 tập truyện ngắn. Thơ, chỉ có hai tập. Tập “Hát chẳng theo mùa” in năm 2009, gọn nhẹ, đơn giản nhưng nhiều bài thơ hay, hay bài nào cũng có những câu thơ hay. Tuy HĐQ dặn ở đầu cuốn rằng “Em đừng tin câu thơ tôi viết. Con chim vu vơ hót chẳng theo mùa” nhưng không có nàng thơ thì không có thơ tình.
Tình thơ- người thơ- nàng thơ... hầu như đều sẽ thay đổi theo thời gian, theo cảm xúc. Bây giờ HĐQ ở bên nào Phan Thiết , câu trả sẽ rõ khi HĐQ có bài thơ nào hay hơn “Phan Thiết mùa đông.”
K.O.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét