9 tháng 8, 2011

ĐỌC LẠI "CÁNH ĐỒNG LƯU LẠC"

CAO CHIẾN
(Nhà văn)

Nói là đọc lại bởi có lẽ tôi là một trong vài người, mà cũng có thể là duy nhất được tiếp cận với Cánh đồng lưu lạc ở dạng bản thảo tươi trong laptop khi Hoàng Đình Quang vừa viết xong những dòng cuối và đọc lên thành tiếng cho tôi nghe, là khi anh cho thằng cu Hận khóc trên nấm đất bên cánh rừng miền đông Nam bộ trong buổi chạng vạng.
Rồi đọc khi sách đã được in ra. Ngay từ những lúc ấy tôi đã thấy sự vâm váp khác thường của Cánh đồng lưu lạc, tôi muốn viết, thực sự là như vậy, những cảm nhận về nó, nhưng tự thấy chưa đủ tầm để hiểu hoặc chí ít là để diễn giải ý nghĩ của mình. Rồi thời gian trôi đi, trên trang web của Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh thấy Cánh đồng lưu lạc của anh tái xuất. Rồi rồng rắn những bình luận, những đánh giá của vô số độc giả về nó. Nhưng hình như vẫn thấy thiếu, và xin nói thêm điều này (nếu như có chạm tự ái của ai đó thì cũng xin bỏ qua cho) vẻ như các bài bình phẩm, chia xẻ đầy yêu mến đều chưa đủ tầm, chưa xứng tầm với tác phẩm. Tôi quyết định đọc lại, mất ba tiếng, chơi hết một gói con mèo, và liều viết vài dòng về nó.
Nó ở đây, là không gian rộng lớn của Cánh đồng lưu lạc, khởi từ cái làng Sơn Cốt mà có một buổi sớm mù sương nhà thơ vĩ đại vào bậc nhất của thời đại chúng ta đã nghỉ chân “nào anh hút tôi hút” cùng những người lính Vệ quốc đoàn, lên Phú Thọ, đảo qua ga Đầu Cầu, đến những cánh rừng miền đông Nam bộ, nơi tác giả là “tôi đem tất cả số hương mang theo đốt lên cắm trên những ngôi mộ xung quanh, vẫn không đủ”. Nó ở đây, là khu bãi bồi Soi Vạt với tre pheo um tùm, thế giới cổ tích riêng có của đám trẻ chăn trâu và cũng là nơi ẩn náu của mẹ con chị Nga khỏi miệng lưỡi thế gian. Cái không gian cánh đồng của Hoàng Đình Quang nhìn thấy rất rõ, rõ như “những bãi cỏ xanh kéo dài suốt một triền bãi xen kẽ với những bãi cây bưởi bung” bên sông Công, rõ như hàng chữ anh chàng cựu binh vẽ bằng gạch non lên bức tường cửa hàng ăn mậu dịch “Nga-Hận! Đã mấy năm rồi anh đi tìm em khắp nơi, mà không thấy. Em ở đâu? Tình!” Và hàng chữ đen xì “Em ở đây” của người đàn bà nắm than quả bàng. Rõ đến thế mà vẫn không sao nắm bắt được nó, không sao hiểu được nó, vì cái không gian cánh đồng của Hoàng Đình Quang là không gian của ảo mộng, của tri giác, giống như giấc mơ, vừa tỉnh thì thấy rõ vằng vặc, nhưng nhắm mắt lại để nhớ thì lát sau lại tan biến, rồi bất chợt lại thấy rõ vằng vặc.
Nó ở đây, là văn phong theo kiểu giăng ngang không giống ai, không lẫn vào văn của ai, thậm chí không giống với chính Hoàng Đình Quang truyện ngắn trước đó. Duy có hai cái, là truyện ngắn Cái roi, và Phiên chợ Tết cuối cùng là có hơi hướm của văn phong này. Nó giống, bởi người đàn bà trong Phiên chợ Tết cuối cùng của Hoàng Đình Quang rất gần gũi với chị Nga, và ông thầy rất nghiêm đã đánh đòn học trò bằng cái roi tàu chuối vì sợ làm cho trò, những người trò chỉ ít ngày sau sẽ ra trận, bị đau, phảng phất hình ảnh của thầy Hoan trong Cánh đồng lưu lạc. Toàn bộ diễn biến, tình tiết trong Cánh đồng lưu lạc được tác giả bầy ra, giăng ngang ra, như một mớ màu vung vít, chớp một cái thấy màu trắng ngần của da thịt chị Nga “khi một bên vai áo chị trễ xuống, một vòm ngực sáng và mịn như được nặn bằng đất sét thạch cao màu ngà lóe lên”, chớp một cái lại thấy “trăng già méo mó và lơ lửng trên cành xoan trước cửa buồng” người thiếu phụ vừa mất chồng, rồi Soi Vạt, rồi san tràng, bè mảng, nước cờ một, nước cờ hai của lão Tuân…màu này đè lên màu kia, vùi dập nhau, rồi lại tôn nhau lên, thành một bức tranh rất lạ.    
Nhưng nếu như chỉ có hai cái nó như ở trên thì Cánh đồng lưu lạc của Hoàng Đình Quang sẽ giống như một cánh đồng mà trên cánh đồng ấy người ta chỉ nghe thấy những âm thanh buồn khắc khoải, bế tắc khôn cùng. Cánh đồng của Hoàng Đình Quang không phải là cánh đồng của những hủ tục phải có con để nối dõi tông đường, không phải là những chuyến đi buôn sắn, không phải là san tràng, bè mảng, không phải là những chuân chuyên, mất mát mà hầu như toàn bộ các nhân vật trong Cánh đồng của anh nếm đủ. Lão Tuân, Nga, thầy Hoan, người anh hùng Tinh Tinh, bà chủ tịch xã, “cụ đồ” Nham, “giáo sư” Thanh, vợ chồng ông Thức, Tình, và cả nhân vật tôi của tác giả, không có ai lành lặn cả. Họ hiện ra, tầng tầng lớp lớp, họ mà lại chẳng phải là họ, bởi  các chân dung Hoàng Đình Quang vẽ về họ dường như chỉ là phông nền cho một bức tranh khác, không phải là số phận, Hoàng Đình Quang không đổ vấy cho số phận, bằng chứng là chẳng có nhân vật nào trong Cánh đồng của anh bằng lòng và chịu thua số phận mà lão Trời Già sắp định cả. Tình yêu, tình cha con, tình đồng đội, tình người, tình nào trong Cánh đồng lưu lạc của Hoàng Đình Quang cũng xôn xao. Anh chỉ vẽ mộc, phác vài nét là cái tình đã hiển hiện như cầm được trong tay. Phải là những người có thực tài, và từng trải nữa, mới có khả năng như vậy. Có thể đơn cử ra đây vài nét vẽ của Hoàng Đình Quang để minh họa cho nhận xét này của tôi.
Đây là nói về tình cha con.
“Thầy Hoan bất thần đứng vụt dậy nhìn chị Nga như ngây dại. Trong một giây đắn đo, thầy ghé lưng vào:
- Ôm lấy cổ bố. Ta về nhà đi con…”
Đây là về tình yêu.
“Và, cái áo chị mặc ngày đi lấy chồng vẫn chỉ là cái áo chị mặc khi lên lớp. Sao chị không mặc cái áo mà chị đã mặc hôm lên đồi tìm tôi? Cái áo trắng, pha màu biếc của ánh trăng mà tôi mới chỉ thấy một lần. Chị nắm tay tôi.
- Em đưa chị đi chứ?
Tôi lắc đầu:
- Em không đưa chị đi được đâu. Mười hai giờ trưa em phải về trường rồi…
- Có chuyện gì gấp thế?
- Em về từ biệt chị. Sáng mai, em phải có mặt để xe chở lên tỉnh đội. Em…nhập ngũ!
Bất ngờ chị ném cái khăn mù soa vào tay một ai đó, hai tay chị nắm lấy cổ tay tôi, nghẹn nấc.”
Và đây là tình người.
“Tự dưng trong đêm tha hương, chị Nga nhớ về quê nhà, và chị thấy thương ông lão Tuân. Ông lão bố chồng và là cha của con trai chị…Nếu ông lão can đảm và thương yêu chị, có thể chị đã không phải bước những bước gập ghềnh đầy bất trắc trên con đường lưu lạc này?”
“Về đi. Nga ơi! Về làng, có nhà có ruộng cho con chúng ta. Nó sẽ lớn lên và sẽ biết cách cởi giải những trái ngang. Về đi, còn ông giáo, còn cha cô đang mòn mỏi trông tin cô đấy!”
Cánh đồng lưu lạc của Hoàng Đình Quang là cánh đồng của thân phận con người, và vì thế mà nó lớn, nó vâm váp. Không xa nữa, Cánh đồng của anh sẽ được đặt đúng vị trí của nó. Tôi tin thế, không phải theo lối tình cảm cá nhân, mà bằng sự nhìn nhận nghiêm túc đối với tác phẩm. 

                                             Tp Hồ Chí Minh 8/8/2011
                                                        C.C.
  
              

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét