16 tháng 10, 2009

Đọc tập thơ "Hát chẳng theo mùa"


TỔ HỢP ÂM THANH YÊU
THỈNH THOẢNG VÚT LÊN
 GIỌNG SOLÔ LẤP LÁNH
VƯƠNG CƯỜNG
(Đọc tập thơ Hát chẳng theo mùa, NXB hôị nhà văn 2009 của Hoàng Đình Quang )

      Hoàng Đình Quang ( HĐQ ) có lần tâm sự, anh không thể đi đến cùng với thơ được. Thế mà ta tin, có lẽ vì ta đang mải mê trong các lâu đài ngôn ngữ biến ảo, vốn thế mạnh của anh, đó là tiểu thuyết,truyện ngắn...Nhưng, ta tình cờ đọc bài thơ, Từ tháng mười đến mùa đông. Một bài thơ lạ, trong sáng, thấm đẫm tình yêu, nằm ở ranh giới tới hạn, tình  yêu như đang bắt đầu, tình bạn vừa qua đỉnh điểm. Tháng mười nhưng chưa phải mùa đông. Bài thơ ấy cho ta ấn tượng, một Hoàng Đình Quang lạ, vô lý, chông chênh và cheo leo. Hoàng Đình Quang, không chỉ dành riêng cho Tiểu thuyết mà tâm hồn ấy đã dành đích thị cho thơ:
từ tháng mười đến mùa đông
Cái khoảng cách ấy, bằng từ
Rơm
đến lửa 
       Đo khoảng cách mà lấy độ dài từ rơm đến lửa, thì không ai khác ngoài nhà thơ. Nhắc đến rơm và lửa, ta nghĩ ngay đến tình yêu. Đến với Hát chẳng theo mùa ta cứ chông chênh, cứ cheo leo như thế. Gấp sách lại, ta vẫn thấy rộn ràng trong lòng, một tổ hợp âm thanh yêu, nhiều bè, nhiều cung bậc. Có một bè trầm lắng, xót xa thoáng chốc, có bè cao vợi, du dương, thỉnh thoảng vút lên giọng sô lô lấp lánh. Bên ngoài mùa thu Hà Nội đang len lén trở về, nhuộm biếc sang vàng, heo may, chín trời tơ lụa. Ta ngẩn ngơ kết nối yêu thương, không gian đầy mơ mộng và thời gian ăm ắp đắm say.
Ở trong tổ hợp âm thanh ấy, bè trầm cất lên đưa ta về với đất trời, cây cỏ, con người của một thời đã qua, nhưng chưa qua. Quá khứ và hiện tại đan cài, mở hội trên vừng trán những nếp nhăn suy nghĩ.
Cây khế ngày xanh, cây khế đã về già
Cả đại bàng cũng không còn trẻ nữa
Những chùm khế vẫn vàng tươi rực rỡ
Chín rụng đầy với kỷ niệm tuổi thơ
     
Vẫn trong miền quá khứ ấy, đột ngột thoát ra, đời sống thực biết bao thăng trầm, lam lũ. Đó là làng Sơn Cốt, Mười người đi, bảy người không trở về. Quá khứ còn tươi rói, hiện tại còn quặn đau, ta lặng chìm đi trước sự đổi thay không như ý muốn ấy. Phải chăng vì thế mà bè trầm luôn phảng phất một nỗi buồn, tác giả cũng là một phần trong bè trầm ấy:
Tôi giờ làm kẻ tha hương
Một hình, một bóng, một phương, một trời...

      Câu thơ này rất gợi, gợi sự cô đơn, gợi sự nghĩ suy, chữ nghĩa rất gần, như bỗng dưng mà thành lục bát.Gặp bạn ở chợ Bến Thành, những hình ảnh đối ngược, đã làm cho ta có gì như quặn thắt. Hình ảnh người bạn phô răng cười giữa ngã tư, đau xót và đầy thương cảm. Cuộc sống đã bước sang chặng đường khác, một xã hội hỗn độn thị trường. Hình như cả hai người đều như không biết, họ đang trở về quá khứ, rượu suông ta nhắm với một thời vinh quang! Vinh quang là có thật, nhưng có gì lay gọi nỗi đau nhiều hơn. Hôm qua, hôm nay và ngày mai nữa đã hoà trộn trong từng chén rượu, rót vào trăm nỗi ngổn ngang vơi đầy. Ta bỗng nhớ khi xưa, Trần Huyền Trân từng ngồi uống rượu với Tản Đà, Cụ ơi, hâm rượu lên thôi/ Rượu trong be đã hết rồi còn đâu/ Rồi ra ta uống với nhau/rót đau lòng đấy uống đau dạ này.
Cả người xưa và người nay đều không chỉ uống rượu. Họ uống sự chia sẻ. Nỗi đau của hai thời lại rất khác nhau. Trong khi chưa kịp thích ứng với thời kinh tế thị trường, mặt trái của nó đang tác động mạnh mẽ. Với bạn, trong hoàn cảnh ấy, thơ thấm hết nỗi đau đời, nhưng không oán trách. Hãy đọc lại hai câu thơ này, Bạn ngồi bạn uống rượu khan/ Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi! Cùng với bè trầm ấy ta bắt gặp, Người đàn bà bán vé số trên đường Đồng khởi, Người lính ấy trở về, Thăm bạn, Đò giấy, Bên trong cánh cửa, Nửa vời... Nhưng có lẽ xúc động hơn cả là Người lính ấy trở về. Đúng ra là hồn người lính trở về. Trở về với nơi sinh ra, thân thuộc mà không thể. Tác giả vẫn đi theo hồn người lính ấy, sự tỷ mỷ, chi tiết,càng làm ta xúc động: Anh ngắm kèo nhà, anh xem bức tường vôi/ Anh rờ rẫm tấm hình mình thời trai trẻ. Thơ đánh thức, nhắc nhở ta về một quá khứ, về một sự khát sống. Cái đẹp không nằm lộ thiên. Thơ Hoàng Đình Quang sâu sắc là thế. Ta cứ đọc và tự mình suy nghĩ, tự ta sàng lọc và xếp vào hành lý mà đi.
          bè cao, bè chủ đạo của Hát chẳng theo mùa, chính là những bài hát về tình yêu. Tình yêu bao giờ cũng là một ngọn lửa không bao giờ tắt, một bài ca không ai hát hết lời. Ta sẽ gặp một HĐQ tha thiết, vời vợi yêu thương, có khi choáng ngợp. Trong tập thơ này, HĐQ có khi đầy mơ mộng có khi thực đến trần trụi, đớn đau:
Dù cuộc đời có dài đến bao nhiêu
Thì cũng chỉ đong đầy hai hang nước mắt
Dù hạnh phúc chẳng bao giờ có thật
Cũng đôi lần lửa cháy phía chân mây
     
Đó là những câu thơ mang tính triết lý, có tính tổng kết những trải nghiệm. Nhưng thơ yêu, không thể nào không bay bổng, mộng mơ, bởi tình yêu luôn luôn mộng mơ, bay bổng. Có một ngày trước biển Hạ Long, nhà thơ bâng khuâng, Con thuyền mang em đến xanh biếc một vùng. Cảm giác ấy không thơ sao được? Lời thơ ấy, không yêu sao được? Nhiều trạng thái tình cảm, trong tình yêu, khi quá khứ trở về, Chúng tôi giấu một mối tình dưới cỏ/ Tiếng dế miên man trong ký ức dại khờ. Câu thơ này không mới, nhưng sự chân thực vẫn làm ta xúc động. Khi một mình, cô đơn gọi em, khi mung lung với những câu hỏi vô lý, cái lý tình yêu như thế, Hay em đã ra ngoài vùng phủ sóng/ Anh một mình ngồi dưới bóng mây che. Khi tương tư; Tan mơ, trở gối tôi nằm đợi mơ! Nhiều câu thơ giàu hình ảnh và màu sắc đẹp, Màu hoa trắng đã rời khung cửa sổ/ Bức rèm xanh còn nhuộm nắng bên chiều.
Phan Thiết mùa đông, một bài thơ buồn, tự tưởng tượng ra mà buồn. Bài thơ tự sự, một mình mà như đang nói với người yêu, Đi thôi em, trăng sáng đến im lìm/ Gió ngừng thổi từ buổi chiều nào đó. Không giấu được sự cô đơn, nhung nhớ, trong mắt chỉ còn lại nỗi buồn, Đốm lửa cháy khát khao và hờ hững / Mây vắt ngang trời mùa đông rất trắng. Có những hình ảnh rất đắt, Anh vẫn ngồi mê mải vẽ vào đêm; không có em, anh uống với trăng ngà. HĐQ chưa một lần nói tới chữ yêu, nhưng ta biết chính là tình yêu đã làm cho mắt anh say đắm, cảm xúc đầy như thế. Ta sẽ bất ngờ và thích thú trước những câu thơ đột ngột, bất ngờ. Môtíp ấy lại gặp ở Phan Thiết Mùa đông. Yêu đến thế, vậy mà Anh dừng lại ở bên này Phan Thiết!/ Mùa đông! Hình như ta bỗng chốc mất mát một cái gì, muốn cứu lại một cái gì. Sự lay động, hụt hẫng tạo ra một mô men xoáy vào tâm hồn ta một điều gì như là nuối tiếc.
    Khi tổ hợp âm thanh đã tắt, đâu đó còn ngân vang, những câu thơ, thơ nhất. trong tâm thức của ta:
Em ơi, mùa này chim hót đã trong đâu
.....
Vân tay một chiều đầy mây trắng

...
Tôi vừa đi vuốt mắt nỗi buồn

      Thơ có cái quyền năng kỳ lạ, không có lý nào hết, bởi nó biểu đạt trạng thái tâm hồn trước thiên nhiên và con người theo chỉ đạo của trái tim. Thơ HĐQ đã chạm vào vẻ đẹp với nhiều cảm xúc, ngôn ngữ riêng, trường liên tưởng rộng, có câu giàu thi ảnh. Thoang thoảng một tình yêu, mà không hẳn một tình yêu... Những câu thơ sô lô, cái lúm đồng tiền trên khoé miệng xinh tươi của thiếu nữ, làm sang trọng cho Hát chẳng theo mùa, định vị tác giả với thơ. Vì vậy, ta bỏ qua nhanh những câu thơ còn dấu vết của văn xuôi. Nhớ tóc, nhớ mi, nhớ trời, nhớ biển, hay bóng ai đâu đó còn thấp thoáng, Sợi chỉ căng ra vạch dấu chân trời...

Hà nội ngày 6-10-2009
VC


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét