20 tháng 10, 2009

Thời hoa đỏ và trái tim cháng đàn ông vô lý

THỜI HOA ĐỎ VÀ TRÁI TIM 
"CHÀNG ĐÀN ÔNG VÔ LÝ".


THỜI HOA ĐỎ


Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao
Anh nắm tay em bước dọc con đường vắng
Chỉ có tiếng ve sôi chẳng cho trưa hè yên tĩnh
Chẳng cho lòng ta yên

Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ
Về cái vẻ thần kỳ của ngày xưa
Em hát một câu thơ cũ
Cái say mê của một thời thiếu nữ

Mỗi mùa hoa đỏ về
Hoa như mưa rơi rơi
Cánh mỏng manh tan tác đỏ tươi
Như máu ứa của một thời trai trẻ
Hoa như mưa rơi rơi
Như tháng ngày xưa ta dại khờ
Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót
Trong câu thơ của em anh không có mặt
Câu thơ hát về một thời yêu thương tha thiết
Anh đâu buồn mà chỉ tiếc
Em không đi hết những ngày đắm say

Hoa cứ rơi ồn ào như tuổi trẻ
Không cho ai có thể lạnh lùng
Hoa đặt vào lòng chúng ta một vệt đỏ
Như vết xước của trái tim.

Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời hoa đỏ ngày xưa.





LỜI BÌNH

Bài thơ được viết vào khoảng năm 1972 khi vừa đổ vỡ cuộc tình cùng người vợ ở Hải Phòng. Bài thơ là nỗi đau tột cùng thăng hoa thành định mệnh của tôi, thành tên gọi của Thanh Tùng. Đây là những lời tự bạch của nhà thơ Thanh Tùng.

Người bình thường, người nghe hát bình thường, biết đến Thời hoa đỏ qua ca khúc nhạc của Nguyễn Đình Bảng. Đó là một bài hát hay, phổ cập và có thể nói rằng ca khúc ấy ở cấp độ phổ thông.

Người yêu thơ, người làm thơ nghe bài hát thấy hay, rất hay. Khi tìm đến bài thơ viết từ ngót 40 năm qua, sao thấy không chỉ buồn mà còn đau nữa. Vết khứa trong tim thật sâu, thật day dứt bằng con dao cùn trớ trêu.

Nhưng bài thơ không dành cho số đông, không dành cho các nhà phê bình. Nó dành hẳn cho những ai đang buồn, đang đau xót và túng quẫn, không có lối ra.

Thanh Tùng viết rằng anh viết bài thơ này "khi vừa đổ vỡ cuộc tình cùng người vợ", tôi không tin, rất không tin. Có thể anh nói thế để giấu đi nỗi đau của mình, để "làm hàng" với dư luận mà thôi. Đây chắc hẳn là một mối tình khác, mối tình sau của anh và cũng là của em:

Sau bài hát rồi em lặng im
Cái lặng im rực màu hoa đỏ
Anh biết mình vô nghĩa đi bên em
Sau bài hát rồi em như thể
Em của thời hoa đỏ ngày xưa
Sau bài hát rồi anh cũng thế
Anh của thời hoa đỏ ngày xưa.



"Anh biết mình vô nghĩa đi bên em", là thế nào? Là làm sao phải thế? Là em của thời hoa đỏ ngày xưa kia! Không phải của anh! Anh cũng vớt vát để giả vờ xoa đi nỗi đau của mình: Anh của thời hoa đỏ ngày xưa. Thật vụng về, đáng thương!

Cách đây nhiều năm, khi ngồi uống bia với Thanh Tùng, tôi hỏi:

- Anh là tác giả của Thời Hoa đỏ. Bài thơ hay lắm, câu nào cũng hay! Khi nó được làm lời cho ca khúc cùng tên, bài hát cũng hay, có một số câu sửa đi theo yêu cầu của âm nhạc, cũng vẫn còn hay. Nhưng tôi đố anh, trong đó có một câu hay nhất, phải nói là cái đinh của bài thơ, Đến nỗi, nếu rút nó đi, thì bài thơ sẽ đổ, hoặc chí ít, nó cũng chỉ là một bài thơ tình ở mức trung bình? Đố anh biết nó là câu nào?

Thanh Tùng ngớ người ra, lắc đầu: Chịu!

Tôi tiếp:

- Câu thơ đó không phải là câu thơ hay, để người ta phải chép vào sổ, hay được đem ra phân tích ngữ pháp. Nó chỉ hay khi đứng trong bài thơ này, và bài thơ này hay là nhờ nó... Vì bài thơ tình này không dành cho số đông.

Nhìn vẻ mặt căng thẳng của Thanh Tùng, tôi càng tin rằng: thi sĩ làm thơ là bằng gan ruột, băng giây phút thăng hoa nhất định, chứ tuyệt nhiên không phải bằng chữ nghĩa, lại càng không phải bằng thủ pháp tu từ nào để người đọc tuỳ tâm suy diễn. Và khi nói điều này, tôi cũng là người suy diễn mà thôi:

Ta nhìn vào tận sâu mắt nhau
Mà thấy lòng đau xót

Chỉ vì:
Trong câu thơ của em anh không có mặt
Đây là câu thơ mang toàn bộ nguồn cơn, là lý do sâu xa để có được bài thơ buồn đau xót thế này.

Thanh Tùng như là rùng mình, lắc đầu nhìn tôi, im lặng!

Nhưng Thanh Tùng ơi, và cả những người đang buồn đau ơi! Cuộc đời là thế. Đây là cái đẹp nhất mà chỉ cuộc đời mới có. Và những ai nhấp phải nỗi buồn này, nỗi trớ trêu này mới được tận hưởng sức mạnh của thi ca.

Một lần khác, tôi đem điều này nói với một bạn gái. Bạn tôi có hơi xúc động, nhưng chỉ thoảng qua, rồi rành rọt:

- Này chàng đàn ông vô lý ơi! Thế lúc đó anh ở đâu? Sao anh không chạy đến với tôi? Sao anh không xô đẩy, giải tán đám đông, thậm chí nếu cần thì vung nắm đấm lên để giành lấy tôi? Lúc đó tôi sẽ làm thơ về anh, sẽ ca hát về anh và thậm chí tôi sẽ khóc nức nở trên vai anh...

Tôi chịu thua! Và tự an ủi trái tim "chàng đàn ông vô lý" bằng một câu khác:

Anh mải mê về một màu mây xa
Về cánh buồm bay qua ô cửa nhỏ.



Trưa ngày 28-9-2009
H.Đ.Q.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét